“Thư pháp có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống của anh?”
Quang Lĩnh ngập ngừng một lúc rồi tâm sự: “Thư Pháp là cuộc sống của tôi, công việc của tôi gắn liền với thư pháp, giải trí tôi cũng tìm đến thư pháp. Tình yêu của tôi dành cho thư pháp cũng mãnh liệt như tình yêu tôi dành cho gia đình vậy”
Ông đồ Huỳnh Quang Lĩnh được những người đam mê thư pháp biết đến như một bậc “tiền bối” khi nhắc về thư pháp Việt Nam. Anh là người đầu tiên đưa thư pháp vào đá (còn gọi là thạch thư), làm khơi dậy động lực sáng tạo của biết bao bạn trẻ trong nền thư pháp Việt. Gắn bó với “mối tình đầu thư pháp” đã được 18 năm, anh định nghĩa rất đơn giản về người yêu: “Thư pháp là cách dùng bút lông để viết chữ nhưng chuyển tải được tâm trạng và cảm xúc của người viết vào từng nét chữ”.
Từ lúc vào nghề, Ông đồ Quang Lĩnh đã giúp rất nhiều người đưa ý tưởng, tâm tư của họ vào những nét chữ đầy cảm xúc, ấn tượng và sáng tạo vô cùng.
Đây là bức Thư Pháp “NGỘ” – Quang Lĩnh thực hiện khi có một khách hàng nhờ anh chuyển câu chữ thành những nét thư pháp. Bức thư pháp trên với hình ảnh một nhành cây mọc ra tươi tốt đầy sức sống trước ánh mặt trời thể hiện ý nghĩa: “Khi tìm hiểu một vấn đề chúng ta phải tìm hiểu từ gốc rễ, và sau khi “NGỘ” ra được thì con người của ta như được tỏa sáng, nhận thức chợt bừng tỉnh, và hành động sáng suốt, tốt đẹp hơn”
Cái duyên giữa Quang Lĩnh và thư pháp bắt đầu từ đâu?
Lớn lên ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi, từ ngày còn để chỏm, Lĩnh đã được ông nội dạy viết thư pháp. Khi “kho tàng” của người ông không còn đủ hấp dẫn, cậu bé Lĩnh tìm đến sách báo, nghe đài và lặn lội ra Hội An học thư pháp, vẽ tranh với cố họa sĩ Ái Nhi. Năm 2004, khi 22 tuổi, anh chuyển vào TP.HCM học tập, làm việc và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê dành cho thư pháp. Chỉ sau một năm tham gia hoạt động thư pháp tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM, những tác phẩm của anh ngày càng thu hút sự chú ý của công chúng yêu thư pháp, vì tính thẩm mỹ cao và có phong cách rất riêng.
Ngoài đam mê vẽ, viết thư pháp, Lĩnh còn “ghiền” những viên sỏi, viên cuội vô tri vô giác ở những dòng suối quê anh. Lúc nào trong giỏ, cặp đi học của Lĩnh cũng có đá, ở đâu có đá lạ, đá đẹp cậu đều tìm đến để xem. Một lần tình cờ đến Non Nước, Đà Nẵng, Lĩnh say mê xem các nghệ nhân điêu khắc trên đá. Lĩnh tự hỏi sao mình không thể viết thư pháp lên đá? Và Lĩnh bắt đầu mày mò học. Anh tìm những viên đá có hình thù lạ, độc đáo rồi viết những câu danh ngôn theo lối thư pháp đem tặng bạn bè. Từ ngày ấy, nhiều học viên của trường Trung cấp Điện Quảng Nam đã gọi anh là “Quang Lĩnh thư pháp”. Cái tên Quang Lĩnh trở thành một hiện tượng trong giới thư pháp khi anh đã thử nghiệm và đưa vào ứng dụng thành công nghệ thuật viết thư pháp trên đá hay còn gọi là thạch thư
Năm 2005, trong cuộc giao lưu giữa Nhà Văn hóa Thanh Niên với Lãnh sự quán Trung Quốc, Quang Lĩnh đã có cơ hội triển lãm thư pháp viết trên đá. Cuộc triển lãm đã thu hút nhiều người quan tâm. Lĩnh nhớ lại: “Rất nhiều người tìm đến làm quen, trao đổi kinh nghiệm và đặt hàng, đến nỗi tôi phải tạm dừng việc trang trí sân khấu để vẽ, nhưng cũng không đáp ứng hết nhu cầu”. Lĩnh mở thêm câu lạc bộ (CLB) thư pháp mang tên anh rồi trở thành phó chủ nhiệm và đến nay là chủ nhiệm CLB Mỹ thuật thuộc Nhà Văn hóa Thanh Niên, sân chơi của những người yêu thích thư pháp, hội họa. CLB không chỉ thu hút những bạn trẻ mà cả những người lớn tuổi.
Mới đây, anh nghĩ ra cách viết thư pháp lên cây quế, một loại cây hương liệu và dược liệu nổi tiếng ở vùng quê anh. Bức tranh trên thân cây quế đầu tiên được Lĩnh tặng cho Hội Chữ thập đỏ TP.HCM để bán đấu giá làm từ thiện và thu được tám triệu đồng gây quỹ giúp trẻ em bệnh tật.
Tình yêu thư pháp đã thôi thúc Quang Lĩnh tiến hành rất nhiều hoạt động để lan truyền nét đẹp của chữ thư pháp Việt Nam như: Tổ chức các lớp dạy thư pháp vào mỗi đầu tháng, quảng bá thư pháp Việt cho khách du lịch nước ngoài, tham dự những buổi triển lãm thư pháp, mỹ thuật ở nhiều nơi trên đất nước. Anh tâm sự: “Thư pháp Việt là một môn nghệ thuật, tôi muốn lan truyền tinh hoa của dân tộc đến các bạn trẻ để thư pháp Việt còn tồn tại và phát triển. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những bạn trẻ có đam mê tìm hiểu về thư pháp. Tôi có một vài người bạn có học vị rất cao đang nghiên cứu và dự định đề xuất đưa thư pháp Việt trở thành một môn học chính thức khi nói về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.”
Thông tin về nhà thư pháp Quang Lĩnh:
- Đồng sáng lập CLB Thư pháp Nét Việt NVHTN TP.HCM
- Chủ Nhiệm CLB Mỹ thuật NVHTN Q.1
- Chủ Nhiệm CLB Thư pháp Quang Lĩnh Tp.HCM
- UV ban điều hành Đ/N/CLB NVHTN
- Giám đốc Cty TNHH Quang Lĩnh
- Hội viên CLB thư pháp Cung Văn Hóa Lao Động
- Hội viên CLB thư pháp Q.Bình Thạnh
Tham gia sinh hoạt ở NVHTN từ 3/2003:
- 3/2003-9/2006 hội viên CLB Mỹ Thuật
- 10/2006-9/2007 Ủy viên CLB thư pháp Nét Việt
- 10/2007-9/2008 Ủy viên CLB Mỹ Thuật
- 10/2008- nay Chủ Nhiệm CLB Mỹ Thuật
Các hoạt động khác:
- Thường xuyên khai giảng các lớp thư pháp chữ Việt vào đầu mỗi tháng
- Tham gia các cuộc triển lãm thư pháp, mỹ thuật:
- Triển lãm cá nhân tại Hội An 2002
- Triển lãm cá nhân tại Hội An 2003
- Triển lãm giao lưu thư pháp với Lãnh Sự Quán Trung Quốc 2005 ( Triển lãm thạch thư đầu tiên ở Việt Nam).
- Triển lãm cá nhân tại café Vườn Tre Q.Tân Bình 3/2007
- Triển lãm cá nhân tại café Trăm Năm Cô Đơn Q.6 7/2009
- Triển lãm chung: Tham gia các cuộc triễn lãm cùng các CLB Thư Pháp Nét Việt, CLB Thư Pháp Cung VHLĐ, CLB Mỹ Thuật NVHTN
Thông tin liên hệ với Ông Đồ Quang Lĩnh:
Thư Pháp Quang Lĩnh.
Trụ sở chính: 92/48/11 Vườn Lài, P.An Phú Đông, Q.12 ( gần Cầu Rạch Gia)
Cửa hàng: Phòng trưng bày Chung Cư Trần Quốc Thảo, P.9, Q.3
Email: [email protected]
Điện thoại/Zalo/Viber: 0919 146 478
Facebook: www.facebook.com/thuphapquanglinh
Báo Phụ Nữ: Khúc “Biến Tấu” Của Nhà Thư Pháp Trẻ
Báo Tuổi Trẻ: Triển lãm Quốc Hoa
Trò Chuyện Với Quang Lĩnh Về Thư Pháp Việt Nam