Trò Chuyện Với Quang Lĩnh Về Thư Pháp Việt Nam

Trò Chuyện Với Quang Lĩnh Về Thư Pháp Việt Nam

Thực hiện bới hội Sinh Vật Cảnh.

Tôi đến nhà Quang Lĩnh vào một buổi sáng chủ nhật, số nhà trên đường Nguyễn Thượng Hiền cũ – mới đánh lộn xộn nên rất khó tìm, phải điện thoại hai ba lần tôi mới tới nơi. Lĩnh đón tôi với nụ cười chân thật và niềm nở. Câu chuyện chúng tôi trao đổi xoay quanh vấn đề thư pháp chữ Việt diễn ra sôi nổi lắm.

Thư Pháp Quang Lĩnh
Thư Pháp Quang Lĩnh

Hỏi: Anh quan niệm thế nào về thư pháp chữ Việt? Gần đây trên báo chí có nhiều người chê bai rằng thư pháp chữ Việt làm hỏng chữ Quốc ngữ, là người gắn bó với thư pháp 7, 8 năm nay anh nghĩ thế nào?

Huỳnh Quang Lĩnh: Mỗi người có một cách nhìn riêng về thư pháp chữ Việt. Riêng bản thân mình, mình cho rằng tất cả các loại chữ trên thế giới đều có thế viết thư pháp. Vì đơn giản, thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp. Tuy nhiên quan niệm thế nào là đẹp, thế nào là xấu của mỗi người cũng khác nhau. Mình không áp đặt, nhưng mình thấy hiện nay thư pháp chữ Việt vẫn có vị trí của nó. Bằng chứng là vẫn có nhiều người thích chơi thư pháp Việt. Năm ngoái có anh bạn mình (anh Nguyễn Hiếu Tín), anh ấy làm luận văn thạc sĩ về vấn đề thư pháp Quốc ngữ, trong luận văn có dẫn ra rằng từ trước Công nguyên, ở Ai Cập, Ảrập người ta cũng dùng hệ chữ Latinh để viết thư pháp. Nếu nói chữ Quốc ngữ không thể viết thư pháp được thì có lẽ hơi cực đoan và phiến diện.

Hỏi: Những người không tán thành việc coi thư pháp chữ Việt như một chuyên ngành nghệ thuật họ cho rằng chỉ có chữ tượng hình như chữ Hán, chữ Nhật mới có thể viết thành thư pháp. Họ còn dẫn ra rằng thư pháp chữ Hán từ xưa đến nay được xem như một chuyên ngành nghệ thuật vì có trường phái, chương pháp và phong cách nhất định. Thư pháp chữ Việt không có chương pháp rõ ràng chỉ viết tuỳ hứng theo từng người, anh nghĩ thế nào về những ý kiến ấy?

Huỳnh Quang Lĩnh: Họ nói đúng một phần. Đúng là không thể phủ nhận rằng thư pháp chữ Hán là dòng thư pháp nổi tiếng thế giới và có lịch sử phát triển lâu đời. Chữ Hán là dạng chữ tượng hình, nhiều chữ vốn dạng ban đầu của nó giống như hình vẽ, cho nên khi viết thư pháp rất đẹp. Thư pháp chữ Quốc ngữ mới phát triển khoảng vài chục năm trở lại đây vì thế những quy định chung về chương pháp và phong cách chưa được thống nhất lắm. Nhưng nếu nói là “không có” hoặc chỉ “viết tuỳ hứng” thì cũng không đúng. Nói như vậy, những người đam mê thư pháp chữ Việt sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Nếu chịu khó tìm hiểu về thư pháp chữ Việt sẽ thấy những quy định chung về cách viết, cách đóng triện,… cũng có nhiều điểm thống nhất và khác với khi viết thư pháp Hán.

Huỳnh Quang Lĩnh - 15 Năm Với Thư Pháp Việt Nam
Huỳnh Quang Lĩnh – 15 Năm Với Thư Pháp Việt Nam

Hỏi: Anh có thể lấy một ví dụ cụ thể quy định về chương pháp hay về cách đóng triện không ạ?

Huỳnh Quang Lĩnh: Được chứ! Chẳng hạn bạn nhìn bức thư pháp trên tường kia kìa (chỉ bức thư pháp viết chữ Nhẫn và 4 câu thơ treo trên tường). Những chữ đầu hàng không thụt vô, các hàng dù thụt vô thụt ra nhưng độ dài phải bằng nhau, khoảng trống ở hàng cuối không dài hơn phân nửa chiều dài của hàng. Đó là quy định về chữ. Còn về con dấu cũng có những quy định riêng, chẳng hạn nếu người viết đồng thời là tác giả của nội dung thì con dấu đóng ở phía dưới, bên góc phải. Nếu người viết thư pháp viết một câu thơ, câu nói của người khác mà chưa có sự đồng ý của tác giả đó thì con dấu của người viết đặt bên dưới, góc phải và phải ghi chữ “thủ bút”, còn bên góc trái ghi tên tác giả câu nói hay câu thơ đó…

Hỏi: Vâng, trong thư pháp chữ Hán người ta chia làm 4 loại Khải, Lệ, Hành, Thảo, không biết trong thư pháp chữ Việt có những quy định gì và các kiểu viết chữ không thưa anh?

Huỳnh Quang Lĩnh: Thực ra thì tuỳ từng người viết có thể sáng tạo ra những kiểu chữ và phong cách viết khác nhau. Nhưng nói chung vẫn có thể khái quát vào năm kiểu viết cơ bản: Kiểu thứ nhất là kiểu Chân Phương, nét chữ rõ ràng dễ đọc, rất giống chữ thường. Kiểu thứ hai là kiểu Cách Điệu viết biến đổi từ chữ Chân Phương mà ra nhưng các chữ cái hơi được biến dạng một chút để tạo ra cái lối viết riêng của mình. Kiểu thứ ba là kiểu Cá Biệt, thể hiện cá tính của người viết, nhìn vào kiểu chữ nầy, người xem dễ biết tác giả mà không cần phải xem bút ký. Kiểu chữ nầy thường viết liền một nét nên khó đọc. Kiểu thứ tư là kiểu Mô Phỏng, chữ được viết mô phỏng theo kiểu chữ của nước ngoài nhìn vào ngỡ chữ Tàu, hay chữ Ả Rập, chữ Miên, nhưng thực ra là chữ Việt. Kiểu cuối cùng là chữ Mộc Bản, viết giống như những chữ khắc trên con dấu, hay viết kiểu đảo lộn, khi xem phải dùng gương phản chiếu…

Hỏi: Vài năm trở lại đây, anh nổi tiếng là một người chơi nghệ thuật sáng tạo với việc chọn chất liệu đá để thể hiện các tác phẩm thư pháp. Anh có thể cho biết vì sao anh lại quyết định chọn đá để viết thư pháp, và khi viết thư pháp trên đá liệu có gặp những khó khăn gì không?

Huỳnh Quang Lĩnh: Mình sinh ra ở Quảng Ngãi, từ lúc còn bé mình đã thích hội hoạ, hồi học xong cấp 3, có một thời gian mình học vẽ với hoạ sĩ Ái Nhi. Nhưng sau đó lại chuyển qua viết thư pháp chữ Việt. Hồi đó mình cứ viết “lấy thích” thôi chứ cũng chưa có ý định làm gì. Mấy đợt xuống tham quan làng mỹ nghệ Non Nước, thấy có nhiều tảng đá rất đẹp và nhẵn nên mình mang về thử viết thư pháp trên đó. Càng viết lại càng thấy thích vì những tác phẩm làm xong thấy bắt mắt và đẹp lắm. Từ năm 2004, mình vào Sài Gòn, quyết tâm dùng chất liệu đá để viết thư pháp. Viết thư pháp trên đá cái khó nhất là làm sao để thể hiện bố cục bức thạch thư cho hài hoà, phù hợp với từng hình dáng tự nhiên của đá. Tuy nhiên, việc thể hiện thư pháp trên đá kích thích mình sáng tạo. Có được một hòn đá đẹp, mình luôn phải trăn trở, suy nghĩ xem thể hiện nét chữ lên đó như thế nào cho phù hợp để có được một tác phẩm nghệ thuật.

Anh Huỳnh Quang Lĩnh – Giám đốc công ty Thư pháp mỹ nghệ Quang Lĩnh

Hỏi: Hiện nay công ty của anh sản xuất mỗi năm rất nhiều sản phẩm thạch thư. Các nhà sách lớn trong thành phố đều có bày bán sản phẩm thư pháp đá do cơ sở của anh chế tác. Anh có thể cho biết đôi nét về những sản phẩm chính của công ty mình cũng như những định hướng trong thời gian tới mà anh muốn đạt được?

Huỳnh Quang Lĩnh: Hiện nay, mình chủ yếu sản xuất các mặt hàng thạch thư cỡ nhỏ để trang trí trong phòng làm việc, phòng khách, làm quà lưu niệm… Mình cũng dành thời gian để sáng tạo những bức thạch thư cỡ lớn, tham gia triển lãm tại nhà văn hóa Thanh Niên hay các hội quán thư pháp chữ Việt tổ chức trong nước. Trong thời gian tới bên cạnh các sản phẩm quen thuộc, đã có bày bán tại các nhà sách, mình sẽ tiếp tục tìm tòi để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm đá – thư pháp mỹ nghệ mới. Mình cũng nghĩ đến việc làm các sản phẩm đá mỹ nghệ để xuất khẩu, nhưng cái khó khăn nhất là khâu vận chuyển, một mặt vì sản phẩm bằng đá đặc, rất nặng, mặt khác, khi va chạm mạnh những chỗ kết dính dễ bị gãy hoặc hư hỏng. Ngoài đá, mình cũng kết hợp viết thư pháp trên các chất liệu khác như tre, nứa, vỏ cây, rễ cây và các đồ gốm mỹ nghệ.

Hỏi: Để có chất liệu phục vụ chế tác những sản phẩm thạch thư với số lượng lớn như thế này, nguồn đá chính mà cơ sở của anh nhập về là từ đâu? Việc vận chuyển có gặp khó khăn gì không ạ?

Huỳnh Quang Lĩnh: Đá phục vụ sản xuất hiện nay có nhiều loại, một số mình nhập về từ các cơ sở khác, những đá đó có nguồn gốc từ Indonexia. Số còn lại chủ yếu là đá Việt, lấy từ miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi…) chuyển vào. Vận chuyển đá chỉ vất vả chút là hơi nặng thôi, chứ cũng không khó khăn gì mấy. Cái chính là mình phải tuyển lựa được chất lượng đá, nhiều khi mình phải trực tiếp về cơ sở cung cấp để chọn lựa từng lô đá nhỏ. Muốn có được những đá tảng tốt để chế tác tác phẩm, mình phải tự đi tìm hiểu và sưu tầm chứ không ai làm thay được cả.

Hỏi: Vâng, làm nghệ thuật luôn đòi hỏi nhiều công phu như vậy anh ạ. Để có được tác phẩm giá trị thì không có con đường nào khác là chính người nghệ sĩ phải hòa mình vào với thế giới của nghệ thuật ấy. Với tư cách là một người có nhiều năm gắn bó với thạch thư, anh có thể nói một vài điều về môn nghệ thuật độc đáo này ở TP Hồ Chí Minh cũng như trong cả nước?

Huỳnh Quang Lĩnh: Mình không dám nhận là nghệ nhân, nghệ sĩ gì cả. Đến với thư pháp từ nhỏ, hoàn toàn dựa trên một niềm đam mê nên mình quyết định mở công ty với ý tưởng chế tác các sản phẩm thư pháp trên đá. Mấy năm trở lại đây, ở nước ta thư pháp đá phát triển mạnh. Ở ngoài quê mình (Quảng Ngãi), phong trào thạch thư ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Các anh, các chú còn lập ra cả Hội thạch thư để trao đổi kinh nghiệm và trưng bày tác phẩm. Tại Sài Gòn, một số hội quán cũng như nhiều người chơi thư pháp đã bắt đầu quan tâm đến thư pháp đá. Riêng bản thân mình, mình cho rằng, giữa thành phố ồn ào, tất bật, một món quà nhỏ bằng đá Việt tự nhiên trên đó có những dòng chữ Việt viết bay bướm, nhẹ nhàng có thể xem như là một dấu lặng nhiều ý nghĩa. Chính vì thê, trong lúc làm, mình vẫn luôn nhắc nhở anh em phải cố gắng chuyển hết cái Tâm của mình vào trong từng viên đá nhỏ để những nét chữ Việt viết lên đó có duyên và có hồn, đẹp và thanh thoát.

Cảm ơn anh Lĩnh vì buổi trò chuyện hôm nay. Thay mặt BBT Website của Hội SVC TP, Minh chúc anh mạnh giỏi, thành đạt, chúc công ty mỹ nghệ thư pháp Quang Lĩnh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới.

Hà Minh thực hiện

Nguồn: http://www.svcsaigon.com/index.php?ghdo=StoreView&store_id=140&tab=1&PHPSESSID=9584f7e3a6aa575f4f92a020e73e0d25

SIMILAR ARTICLES

NO COMMENTS

Leave a Reply