Ông Đồ Cho Chữ Ngày Tết
Thư Pháp Quang Lĩnh với kinh nghiệm gần 20 năm viết thư pháp, xin chia sẻ cùng các bạn yêu thư pháp về nét văn hóa truyền thống Ông Đồ Cho Chữ.
Hầu hết trong mỗi người chúng ta đều biết đến những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên
“Mỗi năm hoa đào nở.
Lại thấy ông Đồ già.
Bày mực tàu giấy đỏ.
Bên phố đông người qua…”
Từ xa xưa dân tộc ta đã có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Trong đó, thờ chữ và rước chữ là đối với những chữ của tầng lớp quý tộc, vua chúa. Còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ nơi các ông đồ vào những dịp lễ tết trong cộng đồng. Không chỉ vậy, người Việt đặc biệt nâng niu và trân trọng chữ khi từ bao đời nay, những tấm hoành phi, câu đối trong những khu vực đình chùa, miếu mạo hay trong mỗi gia đình vẫn được sử dụng và luôn được đặt ở những nơi trang trọng và linh thiêng nhất. Như vậy để thấy, vai trò của ông đồ là hết sức to lớn khi ông đồ vừa dạy chữ thánh hiền vừa truyền trao nghệ thuật thư pháp – một hình thức văn hoá xem trọng chữ nghĩa của thánh hiền.
Trong thời đại hội nhập ngày nay, mặc dù kinh tế, văn hóa, xã hội đã có quá nhiều sự thay đổi so với thời xưa tuy nhiên văn hóa Ông Đồ cho chữ ngày Tết vẫn chưa bao giờ cũ. Ngày nay, cứ mỗi dịp chuẩn bị đón xuân, những du khách và những người yêu Nghệ thuật Thư pháp không kể già trẻ, gái trai đều háo hức đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một mặt vào tham quan cảnh đẹp của khu di tích lịch sử nổi tiếng của Hà thành, nơi có hệ thống Bia tiến sỹ trong năm 2010 đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu của thế giới, đồng thời sau khi tham quan du khách vừa đi xem, vừa đi chơi, tận hưởng không khí ngày xuân trong không gian ở Phố chợ Ông Đồ tổ chức ngay phía ngoài khu Văn miếu – Quốc Tử Giám.
Xin Chữ Ngày Tết, không phải là một việc đơn giản như chúng ta thường nghĩ mà đó là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Ông đồ ngày xưa rất được trọng vọng, những nhà có tiền thì mời thầy về tận nhà để dạy chữ cho con cái, những nhà bình thường thì gửi con đến nhà thầy, thầy giỏi học sinh khắp nơi kéo đến học, ngày lễ ngày tết phải sang tết thầy, dân gian có câu: mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy. Ngày xưa, ông đồ khăn đóng áo, dài thâm, quần chúc bầu trắng, chòm râu bạc phất phơ thật cốt cách, chải chiếu ngồi mài mực trên vỉa hè. Đàng sau ông giăng đầy những chữ Thần, chữ Phúc và những câu đối viết trên giấy màu đỏ khổ to. Bên nghiêng mực và mấy chiếc bút lông, ông đồ nằm bò trên giấy chăm chú thảo những dòng chữ Hán, chữ Nôm như rồng bay, phượng múa. Phố phường từ đó như rực rỡ thêm bằng những tấm giấy lụa, giấy điều…Như nhắc nhở mọi người rằng Tết đang đến.
Ngày tết, công việc của thầy đồ càng bận hơn bởi mọi người đến xin chữ, đó là việc mà cả người xin chữ và người cho chữ đều hết sức trân trọng và nâng niu. Ông đồ thường dậy sớm chuẩn bị nghiên mực cho chu đáo mà phải là loại mực tốt nhất thì viết chữ mới đẹp, người xin chữ khăn áo chỉnh tề, sắm một chút lễ vật đến nhà thầy, lễ vật tùy gia cảnh của người xin chữ.
Chữ Xin cũng tùy theo nguyện vọng, người cầu con cái xin chữ PHÚC, người cầu tài lộc thì xin chữ tài chữ LỘC, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ THỌ… Có những ông đồ thì lại đến các chợ, hoặc nơi đông người qua lại, bày giấy mực ra để bán chữ, có thể nói chỗ ông đồ ngồi là chỗ mọi người xúm vào đông nhất. Những ông đồ chữ đẹp được mọi người chú ý rất nhiều, mỗi chữ cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền, nên ai cũng muốn mua cho mình một vài chữ, sắc đỏ của giấy, mùi thơm của mực cũng làm cho ngày tết thêm màu sắc và hương vị. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình.
Ngày nay, văn hóa hội nhập khiến hình ảnh về khu phố Ông Đồ cũng có một số sự thay đổi, khi bên cạnh những bậc “cao niên” thì cũng đã xuất hiện rất nhiều “ông đồ” với tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí có ông đồ chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Bên cạnh đó, bên cạnh viết chữ Hán, chữ Nôm thì các ông đồ ngày nay còn viết cả chữ quốc ngữ.
Nhìn chung ngày nay, đối tượng đến với Phố Ông Đồ ngày tết là phong phú hơn. Tuy vậy những tinh hoa xưa về cơ bản vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Ngày nay, mỗi lần đến với Phố Ông Đồ, du khách sẽ nhìn thấy sự rực rỡ của các màu sắc, đủ các kích cỡ của các bức thư pháp treo ngay cạnh tường của Văn Miếu, dọc tuyến phố có rất đông du khách trong và ngoài nước ngắm nhìn, chụp ảnh về không gian của Phố chợ Ông Đồ, xem các ông đồ thể hiện tài năng. Các Ông Đồ có nhiều lứa tuổi khác nhau, nhưng chỗ các Ông Đồ già mặc áo the, đầu đội khăn xếp, viết chữ nghĩa vuông vắn, mực thước thường có đông du khách ngồi xem cách thể hiện, du khách vừa xem vừa nghe các cụ giảng giải về nội dung các chữ, cách viết, cách mài mực, viết làm sao cho chữ đẹp không bị nhoè, không bị chảy mực, giới thiệu về lịch sử của chữ nho, cũng như dấu ấn của một thời thi cử có mang theo lều chõng của các sĩ tử trong lịch sử. Khác với những ông đồ già,có một số ông đồ trẻ đầu cũng đội khăn, mặc áo nhiễu sặc sỡ in chữ thọ để tạo thêm dáng vẻ của một nhà nho.
Người già thường hay xin chữ Hiếu, chữ Đức về cho con, người trẻ có hiếu hay xin chữ Phúc cho bố mẹ, ông bà. Người đi làm công sở thường xin chữ Nhẫn, du khách nước ngoài hay xin chữ Hạnh Phúc, với những người buôn bán thường hay xin chữ Phát, chữ Lộc. Đối với chữ Tâm là chữ được nhiều tầng lớp xin nhất, thường đi kèm với chữ Tâm có hàng chữ nhỏ Phúc Tự Tâm Sinh nghĩa là do cái “tâm” của mình mà sinh ra cái “Phúc”. Hoặc du khách có thể yêu cầu các Ông đồ viết theo những chữ mà mình thích, có thể là một câu thơ hay một chữ bất kỳ, những chữ gắn với một năm mới sắp đến, những chữ mong ước, khát vọng trong cuộc sống.
Không chỉ có vậy đến đây khách còn được các Ông đồ Hướng Dẫn Cách Viết Thư Pháp, khách có thể tự mình viết những chữ tuỳ theo sở thích của mình. Khi đến đây du khách cũng như những người yêu nghệ thuật Thư pháp thường quan niệm là xin chữ, gọi là xin chữ cho thanh tao, nhưng thực ra là đi mua chữ lấy vận may trong năm mới.
Đây vẫn thực sự là điểm hẹn cho các nhà nho cũng như những người yêu mến nghệ thuật thư pháp có thể hội tụ để giao lưu, học hỏi, nâng cao những giá trị thẩm mỹ. Thư pháp ngày Xuân làm thêm vui cảnh quan phố phường, Bên cạnh đó, phố chợ Ông Đồ cũng là điểm nhấn của du lịch thủ đô đối với du khách gần xa trong những dịp xuân về. Điều đáng tiếc duy nhất khi nói về Phố Ông Đồ ngày nay có lẽ là việc một số ông Đồ chưa thực sự có đủ trình độ về học thuật cũng như sự thiếu am tường về văn hóa, thiếu hụt về sự am hiểu tinh hoa của nghệ thuật thư pháp. Vừa qua, đã có một đơn vị đứng ra tổ chức một cuộc thi sát hạch để kiểm tra trình độ của những ông đồ và chỉ những ông đồ đạt tiêu chuẩn mới được tham dự ngày hội thư pháp đầu xuân. Và trên thực tế ở cuộc thi này đã có một số ông đồ bị loại vì chưa đủ trình độ và sự am tường về nghệ thuật thư pháp. Điều này minh chứng cho một thực tế đó là trong những năm qua, đã có một bộ phận ông đồ chưa thực sự đủ trình độ nhưng vẫn hoạt động với mục đích chuộc lợi cho bản thân thay vì cống hiến cho những giá trị về mặt văn hóa.
Hoàng Điệp st