Ngày nay, nhiều người Nhật đang tìm lại những giá trị truyền thống của nghệ thuật thư pháp vào thời đại mà mọi người thường dùng máy tính thay vì viết tay. Và cứ vào mỗi dịp đầu năm mới, những người yêu thích nghệ thuật viết chữ đẹp ở nước này lại tập trung về một ngôi đền ở thành phố Kyoto để tham gia sự kiện viết thư pháp được tổ chức hàng năm tại đây.
Đền Kitano Tenmangu là nơi thờ học giả Sugawara Michizane, sống vào thế kỷ thứ IX, được xem là vị thần học tập ở Nhật. Ông cũng được biết đến là bậc thầy về thư pháp.
Những người tham gia sự kiện được tổ chức tại đây đủ mọi lứa tuổi đã viết nhiều từ khác nhau mang các ý nghĩa như “Gương mặt đang mỉm cười”, “Sức khỏe tốt”, “Rắn” – con vật biểu tượng của năm 2013.
Đến với sự kiện thú vị này, nhiều người mong muốn kỹ thuật viết thư pháp của mình ngày càng được cải thiện hơn nữa.
TTO – Sáng 20-8, triển lãm Quốc hoa của CLB Mỹ thuật đã khai mạc tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM với hơn 50 bức tranh cùng những câu thơ, danh ngôn về sen, loài hoa đang dẫn đầu bình chọn quốc hoa hiện nay.
Đây là những tác phẩm của các hội viên và khách mời của CLB Mỹ thuật Nhà văn hóa Thanh niên. Các tác phẩm được thể hiện trên nhiều chất liệu với nhiều thể loại như: tranh thủy mặc, tranh màu nước vẽ trên giấy dó, giấy xuyến chỉ, gỗ…
Đặc biệt, một số tác phẩm về sen trên đá đã thu hút sự chú ý của đông đảo bạn trẻ trong buổi khai mạc triển lãm.
Anh Huỳnh Quang Lĩnh – chủ nhiệm CLB – cho biết: “Hoa sen là biểu tượng thân thuộc và gần gũi nhất đối với người dân Việt Nam. Hoa sen cũng như con người – đặc biệt là người nghệ sĩ – luôn cố gắng vươn mình lên khỏi những khó khăn để tỏa hương, khoe sắc, làm đẹp cho đời”.
Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 28-8-2012
Một số tác phẩm về sen của CLB Mỹ thuật Nhà văn hóa Thanh niên:
Treo một bức thư pháp không còn là chuyện xa lạ, đặc biệt là vào dịp Tết. Vì thế, hình ảnh những ‘ông đồ’ mặc áo dài, khăn đóng, ngồi trên chiếu hoa viết thư pháp mỗi độ xuân về xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Sài Gòn. Họ phần lớn là sinh viên, hay những bạn trẻ yêu thích thư pháp say mê tự mày mò sáng tạo… nên cũng có thể gọi là những “anh đồ”.
Huỳnh Quang Lĩnh ‘ông đồ’ học ngành điện
Huỳnh Quang Lĩnh cũng được xem là ông đồ trẻ đang rất thành công với việc đưa thư pháp vào đá -Ảnh: Quốc Hùng
So với nhiều ‘ông đồ trẻ’ khác, Huỳnh Quang Lĩnh được xem là ông đồ khá thành công với thư pháp Việt Nam hiện nay tại Sài Gòn. Lớn lên ở vùng quê nghèo miền trung Quảng Ngãi, từ nhỏ Lĩnh đã được ông nội dạy viết thư pháp. Lĩnh còn tìm đến sách báo, nghe đài và lặn lội ra Hội An học thư pháp, vẽ tranh với cố họa sĩ Ái Nhi.
Tốt nghiệp trung cấp điện, nhưng Lĩnh lại làm công việc trang trí sân khấu, thiết kế nội thất. Năm 22 tuổi anh vào Sài Gòn lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. 25 tuổi, Huỳnh Quang Lĩnh nổi tiếng với tài viết thư pháp trên đá (được gọi là thạch thư). Với Lĩnh, mảnh đất phương Nam như có một lực hút đặc biệt giữ chân anh. Và cái nghề tay trái lẫn tay phải này đã giúp Quang Lĩnh trở nên nổi tiếng ở Sài Gòn và nuôi bốn đưa em ăn học tại đây.
Với Quang Lĩnh, để thành công với văn hoá thư pháp này không chỉ là yêu mê nghệ thuật viết, vẽ mà phải có tâm hồn sáng tạo. Với suy nghĩ đó Lĩnh luôn sáng tạo trong việc đưa thư pháp vào nhiều vật liệu khác nhau. Thành công lớn nhất của anh là đưa thư pháp vào những hòn đá, viên sỏi mà hiếm thấy ở các thư pháp của các ông đồ khác.
Thực ra viết thư pháp trên đá, viên sỏi là niềm đam mê của Lĩnh từ lúc nhỏ khi còn ở quê. Lúc nào trong giỏ, cặp đi học của Lĩnh cũng có đá, ở đâu có đá lạ, đá đẹp cậu đều tìm đến để xem. Một lần tình cờ đến Non Nước, Đà Nẵng, Lĩnh say mê xem các nghệ nhân điêu khắc trên đá. Lĩnh tự hỏi sao mình không thể viết thư pháp lên đá? Và Lĩnh bắt đầu mày mò học. Anh tìm những viên đá có hình thù lạ, độc đáo rồi viết những câu danh ngôn theo lối thư pháp đem tặng bạn bè.
Hai năm đầu lập nghiệp tại Sài Gòn, Lĩnh chuyên đi thiết kế, trang trí sân khấu, nhưng lúc rảnh rỗi anh lại đem đá ra viết, vẽ. Năm 2005, trong cuộc giao lưu giữa Nhà Văn hóa Thanh Niên với Lãnh sự quán Trung Quốc, Quang Lĩnh đã có cơ hội triển lãm thư pháp viết trên đá. Cuộc triển lãm đã thu hút nhiều người quan tâm. 100 tác phẩm thạch thư Quang Lĩnh được bán hết chỉ sau một buổi sáng.
Thấy nhiều người tìm đến làm quen, trao đổi kinh nghiệm và đặt hàng, nên Lĩnh quyết định mở câu lạc bộ thư pháp mang tên anh rồi trở thành phó chủ nhiệm và đến nay là chủ nhiệm câu lạc bộ Mỹ thuật thuộc Nhà Văn hóa Thanh Niên, sân chơi của những người yêu thích thư pháp, hội họa.
Đến nay, Quang Lĩnh đã có một phòng tranh, triển lãm thư pháp tại một quận Phú Nhuận. Nơi này vừa là chỗ để đàm đạo về thư pháp, vừa là nơi anh hướng dẫn cho người yêu thích môn nghệ thuật này. Tranh, đá thư pháp Quang Lĩnh cũng đã có mặt trên hệ thống các nhà sách Văn Lang, Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ. .. Với Lĩnh, viết thư pháp phải sáng tạo và anh không dừng lại với thành công viết thư pháp lên đá sỏi mà anh còn thử nghiệm ở nhiều loại hình vật liệu khác như vải bố, cây quế, một loại cây hương liệu và dược liệu nổi tiếng ở vùng quê anh, gốm sứ, vỏ sò, vỏ ốc…
Tôi đến nhà Quang Lĩnh vào một buổi sáng chủ nhật, số nhà trên đường Nguyễn Thượng Hiền cũ – mới đánh lộn xộn nên rất khó tìm, phải điện thoại hai ba lần tôi mới tới nơi. Lĩnh đón tôi với nụ cười chân thật và niềm nở. Câu chuyện chúng tôi trao đổi xoay quanh vấn đề thư pháp chữ Việt diễn ra sôi nổi lắm.
Hỏi: Anh quan niệm thế nào về thư pháp chữ Việt? Gần đây trên báo chí có nhiều người chê bai rằng thư pháp chữ Việt làm hỏng chữ Quốc ngữ, là người gắn bó với thư pháp 7, 8 năm nay anh nghĩ thế nào?
Huỳnh Quang Lĩnh: Mỗi người có một cách nhìn riêng về thư pháp chữ Việt. Riêng bản thân mình, mình cho rằng tất cả các loại chữ trên thế giới đều có thế viết thư pháp. Vì đơn giản, thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp. Tuy nhiên quan niệm thế nào là đẹp, thế nào là xấu của mỗi người cũng khác nhau. Mình không áp đặt, nhưng mình thấy hiện nay thư pháp chữ Việt vẫn có vị trí của nó. Bằng chứng là vẫn có nhiều người thích chơi thư pháp Việt. Năm ngoái có anh bạn mình (anh Nguyễn Hiếu Tín), anh ấy làm luận văn thạc sĩ về vấn đề thư pháp Quốc ngữ, trong luận văn có dẫn ra rằng từ trước Công nguyên, ở Ai Cập, Ảrập người ta cũng dùng hệ chữ Latinh để viết thư pháp. Nếu nói chữ Quốc ngữ không thể viết thư pháp được thì có lẽ hơi cực đoan và phiến diện.
Hỏi: Những người không tán thành việc coi thư pháp chữ Việt như một chuyên ngành nghệ thuật họ cho rằng chỉ có chữ tượng hình như chữ Hán, chữ Nhật mới có thể viết thành thư pháp. Họ còn dẫn ra rằng thư pháp chữ Hán từ xưa đến nay được xem như một chuyên ngành nghệ thuật vì có trường phái, chương pháp và phong cách nhất định. Thư pháp chữ Việt không có chương pháp rõ ràng chỉ viết tuỳ hứng theo từng người, anh nghĩ thế nào về những ý kiến ấy?
Huỳnh Quang Lĩnh: Họ nói đúng một phần. Đúng là không thể phủ nhận rằng thư pháp chữ Hán là dòng thư pháp nổi tiếng thế giới và có lịch sử phát triển lâu đời. Chữ Hán là dạng chữ tượng hình, nhiều chữ vốn dạng ban đầu của nó giống như hình vẽ, cho nên khi viết thư pháp rất đẹp. Thư pháp chữ Quốc ngữ mới phát triển khoảng vài chục năm trở lại đây vì thế những quy định chung về chương pháp và phong cách chưa được thống nhất lắm. Nhưng nếu nói là “không có” hoặc chỉ “viết tuỳ hứng” thì cũng không đúng. Nói như vậy, những người đam mê thư pháp chữ Việt sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Nếu chịu khó tìm hiểu về thư pháp chữ Việt sẽ thấy những quy định chung về cách viết, cách đóng triện,… cũng có nhiều điểm thống nhất và khác với khi viết thư pháp Hán.
Hỏi: Anh có thể lấy một ví dụ cụ thể quy định về chương pháp hay về cách đóng triện không ạ?
Huỳnh Quang Lĩnh: Được chứ! Chẳng hạn bạn nhìn bức thư pháp trên tường kia kìa (chỉ bức thư pháp viết chữ Nhẫn và 4 câu thơ treo trên tường). Những chữ đầu hàng không thụt vô, các hàng dù thụt vô thụt ra nhưng độ dài phải bằng nhau, khoảng trống ở hàng cuối không dài hơn phân nửa chiều dài của hàng. Đó là quy định về chữ. Còn về con dấu cũng có những quy định riêng, chẳng hạn nếu người viết đồng thời là tác giả của nội dung thì con dấu đóng ở phía dưới, bên góc phải. Nếu người viết thư pháp viết một câu thơ, câu nói của người khác mà chưa có sự đồng ý của tác giả đó thì con dấu của người viết đặt bên dưới, góc phải và phải ghi chữ “thủ bút”, còn bên góc trái ghi tên tác giả câu nói hay câu thơ đó…
Hỏi: Vâng, trong thư pháp chữ Hán người ta chia làm 4 loại Khải, Lệ, Hành, Thảo, không biết trong thư pháp chữ Việt có những quy định gì và các kiểu viết chữ không thưa anh?
Huỳnh Quang Lĩnh: Thực ra thì tuỳ từng người viết có thể sáng tạo ra những kiểu chữ và phong cách viết khác nhau. Nhưng nói chung vẫn có thể khái quát vào năm kiểu viết cơ bản: Kiểu thứ nhất là kiểu Chân Phương, nét chữ rõ ràng dễ đọc, rất giống chữ thường. Kiểu thứ hai là kiểu Cách Điệu viết biến đổi từ chữ Chân Phương mà ra nhưng các chữ cái hơi được biến dạng một chút để tạo ra cái lối viết riêng của mình. Kiểu thứ ba là kiểu Cá Biệt, thể hiện cá tính của người viết, nhìn vào kiểu chữ nầy, người xem dễ biết tác giả mà không cần phải xem bút ký. Kiểu chữ nầy thường viết liền một nét nên khó đọc. Kiểu thứ tư là kiểu Mô Phỏng, chữ được viết mô phỏng theo kiểu chữ của nước ngoài nhìn vào ngỡ chữ Tàu, hay chữ Ả Rập, chữ Miên, nhưng thực ra là chữ Việt. Kiểu cuối cùng là chữ Mộc Bản, viết giống như những chữ khắc trên con dấu, hay viết kiểu đảo lộn, khi xem phải dùng gương phản chiếu…
Hỏi: Vài năm trở lại đây, anh nổi tiếng là một người chơi nghệ thuật sáng tạo với việc chọn chất liệu đá để thể hiện các tác phẩm thư pháp. Anh có thể cho biết vì sao anh lại quyết định chọn đá để viết thư pháp, và khi viết thư pháp trên đá liệu có gặp những khó khăn gì không?
Huỳnh Quang Lĩnh: Mình sinh ra ở Quảng Ngãi, từ lúc còn bé mình đã thích hội hoạ, hồi học xong cấp 3, có một thời gian mình học vẽ với hoạ sĩ Ái Nhi. Nhưng sau đó lại chuyển qua viết thư pháp chữ Việt. Hồi đó mình cứ viết “lấy thích” thôi chứ cũng chưa có ý định làm gì. Mấy đợt xuống tham quan làng mỹ nghệ Non Nước, thấy có nhiều tảng đá rất đẹp và nhẵn nên mình mang về thử viết thư pháp trên đó. Càng viết lại càng thấy thích vì những tác phẩm làm xong thấy bắt mắt và đẹp lắm. Từ năm 2004, mình vào Sài Gòn, quyết tâm dùng chất liệu đá để viết thư pháp. Viết thư pháp trên đá cái khó nhất là làm sao để thể hiện bố cục bức thạch thư cho hài hoà, phù hợp với từng hình dáng tự nhiên của đá. Tuy nhiên, việc thể hiện thư pháp trên đá kích thích mình sáng tạo. Có được một hòn đá đẹp, mình luôn phải trăn trở, suy nghĩ xem thể hiện nét chữ lên đó như thế nào cho phù hợp để có được một tác phẩm nghệ thuật.
Anh Huỳnh Quang Lĩnh – Giám đốc công ty Thư pháp mỹ nghệ Quang Lĩnh
Hỏi: Hiện nay công ty của anh sản xuất mỗi năm rất nhiều sản phẩm thạch thư. Các nhà sách lớn trong thành phố đều có bày bán sản phẩm thư pháp đá do cơ sở của anh chế tác. Anh có thể cho biết đôi nét về những sản phẩm chính của công ty mình cũng như những định hướng trong thời gian tới mà anh muốn đạt được?
Huỳnh Quang Lĩnh: Hiện nay, mình chủ yếu sản xuất các mặt hàng thạch thư cỡ nhỏ để trang trí trong phòng làm việc, phòng khách, làm quà lưu niệm… Mình cũng dành thời gian để sáng tạo những bức thạch thư cỡ lớn, tham gia triển lãm tại nhà văn hóa Thanh Niên hay các hội quán thư pháp chữ Việt tổ chức trong nước. Trong thời gian tới bên cạnh các sản phẩm quen thuộc, đã có bày bán tại các nhà sách, mình sẽ tiếp tục tìm tòi để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm đá – thư pháp mỹ nghệ mới. Mình cũng nghĩ đến việc làm các sản phẩm đá mỹ nghệ để xuất khẩu, nhưng cái khó khăn nhất là khâu vận chuyển, một mặt vì sản phẩm bằng đá đặc, rất nặng, mặt khác, khi va chạm mạnh những chỗ kết dính dễ bị gãy hoặc hư hỏng. Ngoài đá, mình cũng kết hợp viết thư pháp trên các chất liệu khác như tre, nứa, vỏ cây, rễ cây và các đồ gốm mỹ nghệ.
Hỏi: Để có chất liệu phục vụ chế tác những sản phẩm thạch thư với số lượng lớn như thế này, nguồn đá chính mà cơ sở của anh nhập về là từ đâu? Việc vận chuyển có gặp khó khăn gì không ạ?
Huỳnh Quang Lĩnh: Đá phục vụ sản xuất hiện nay có nhiều loại, một số mình nhập về từ các cơ sở khác, những đá đó có nguồn gốc từ Indonexia. Số còn lại chủ yếu là đá Việt, lấy từ miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi…) chuyển vào. Vận chuyển đá chỉ vất vả chút là hơi nặng thôi, chứ cũng không khó khăn gì mấy. Cái chính là mình phải tuyển lựa được chất lượng đá, nhiều khi mình phải trực tiếp về cơ sở cung cấp để chọn lựa từng lô đá nhỏ. Muốn có được những đá tảng tốt để chế tác tác phẩm, mình phải tự đi tìm hiểu và sưu tầm chứ không ai làm thay được cả.
Hỏi: Vâng, làm nghệ thuật luôn đòi hỏi nhiều công phu như vậy anh ạ. Để có được tác phẩm giá trị thì không có con đường nào khác là chính người nghệ sĩ phải hòa mình vào với thế giới của nghệ thuật ấy. Với tư cách là một người có nhiều năm gắn bó với thạch thư, anh có thể nói một vài điều về môn nghệ thuật độc đáo này ở TP Hồ Chí Minh cũng như trong cả nước?
Huỳnh Quang Lĩnh: Mình không dám nhận là nghệ nhân, nghệ sĩ gì cả. Đến với thư pháp từ nhỏ, hoàn toàn dựa trên một niềm đam mê nên mình quyết định mở công ty với ý tưởng chế tác các sản phẩm thư pháp trên đá. Mấy năm trở lại đây, ở nước ta thư pháp đá phát triển mạnh. Ở ngoài quê mình (Quảng Ngãi), phong trào thạch thư ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Các anh, các chú còn lập ra cả Hội thạch thư để trao đổi kinh nghiệm và trưng bày tác phẩm. Tại Sài Gòn, một số hội quán cũng như nhiều người chơi thư pháp đã bắt đầu quan tâm đến thư pháp đá. Riêng bản thân mình, mình cho rằng, giữa thành phố ồn ào, tất bật, một món quà nhỏ bằng đá Việt tự nhiên trên đó có những dòng chữ Việt viết bay bướm, nhẹ nhàng có thể xem như là một dấu lặng nhiều ý nghĩa. Chính vì thê, trong lúc làm, mình vẫn luôn nhắc nhở anh em phải cố gắng chuyển hết cái Tâm của mình vào trong từng viên đá nhỏ để những nét chữ Việt viết lên đó có duyên và có hồn, đẹp và thanh thoát.
Cảm ơn anh Lĩnh vì buổi trò chuyện hôm nay. Thay mặt BBT Website của Hội SVC TP, Minh chúc anh mạnh giỏi, thành đạt, chúc công ty mỹ nghệ thư pháp Quang Lĩnh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới.
TTO – Khai bút đầu xuân đã là nét đẹp lâu đời của những người trót nợ với “giấy mực”, chữ nghĩa. Khai bút đầu xuân, các 8X gửi gắm bao ước mơ, hy vọng. Khai bút bằng thư pháp Việt Nam tạo ra một nét đặc trưng cho chữ Việt.
Huỳnh Quang Lĩnh, 1982, nguyên ủy viên CLB Thư pháp Nét Việt, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM
8 năm nay tôi đều khai bút và phút giao thừa. Với tôi, đó là thời gian thấy tâm hồn mình thư thái nhất. Để chuẩn bị cho thời khai bút, trước đó tôi dọn dẹp nhà cửa kỹ, tắm sạch sẽ, pha một bình trà ngon, chuẩn bị giấy mực. Mỗi tết, tôi chọn một câu hay một chữ hay để viết. Năm nay tôi sẽ viết chữ “An” với ước nguyện mong đất nước và tất cả mọi người sẽ an bình cho trong năm mới.
Với những người gắn bó với nghiệp viết lách, khai bút đầu xuân cũng có ý nghĩa nhớ về cội nguồn. Đó là những thời khắc rất thiêng liêng.