Tin Tức Thư Pháp

Treo một bức thư pháp không còn là chuyện xa lạ, đặc biệt là vào dịp Tết. Vì thế, hình ảnh những ‘ông đồ’ mặc áo dài, khăn đóng, ngồi trên chiếu hoa viết thư pháp mỗi độ xuân về xuất hiện ngày càng nhiều trên đường phố Sài Gòn. Họ phần lớn là sinh viên, hay những bạn trẻ yêu thích thư pháp say mê tự mày mò sáng tạo… nên cũng có thể gọi là những “anh đồ”.

Huỳnh Quang Lĩnh ‘ông đồ’ học ngành điện

 

Thư Pháp Huỳnh Quang Lĩnh - 15 Năm Với Thư Pháp Việt Nam

Huỳnh Quang Lĩnh cũng được xem là ông đồ trẻ đang rất thành công với việc đưa thư pháp vào đá -Ảnh: Quốc Hùng

So với nhiều ‘ông đồ trẻ’ khác, Huỳnh Quang Lĩnh được xem là ông đồ khá thành công với thư pháp Việt Nam hiện nay tại Sài Gòn. Lớn lên ở vùng quê nghèo miền trung Quảng Ngãi, từ nhỏ Lĩnh đã được ông nội dạy viết thư pháp. Lĩnh còn tìm đến sách báo, nghe đài và lặn lội ra Hội An học thư pháp, vẽ tranh với cố họa sĩ Ái Nhi.

Tốt nghiệp trung cấp điện, nhưng Lĩnh lại làm công việc trang trí sân khấu, thiết kế nội thất. Năm 22 tuổi anh vào Sài Gòn lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. 25 tuổi, Huỳnh Quang Lĩnh nổi tiếng với tài viết thư pháp trên đá (được gọi là thạch thư). Với Lĩnh, mảnh đất phương Nam như có một lực hút đặc biệt giữ chân anh. Và cái nghề tay trái lẫn tay phải này đã giúp Quang Lĩnh trở nên nổi tiếng ở Sài Gòn và nuôi bốn đưa em ăn học tại đây.

Với Quang Lĩnh, để thành công với văn hoá thư pháp này không chỉ là yêu mê nghệ thuật viết, vẽ mà phải có tâm hồn sáng tạo. Với suy nghĩ đó Lĩnh luôn sáng tạo trong việc đưa thư pháp vào nhiều vật liệu khác nhau. Thành công lớn nhất của anh là đưa thư pháp vào những hòn đá, viên sỏi mà hiếm thấy ở các thư pháp của các ông đồ khác.

Thực ra viết thư pháp trên đá, viên sỏi là niềm đam mê của Lĩnh từ lúc nhỏ khi còn ở quê. Lúc nào trong giỏ, cặp đi học của Lĩnh cũng có đá, ở đâu có đá lạ, đá đẹp cậu đều tìm đến để xem. Một lần tình cờ đến Non Nước, Đà Nẵng, Lĩnh say mê xem các nghệ nhân điêu khắc trên đá. Lĩnh tự hỏi sao mình không thể viết thư pháp lên đá? Và Lĩnh bắt đầu mày mò học. Anh tìm những viên đá có hình thù lạ, độc đáo rồi viết những câu danh ngôn theo lối thư pháp đem tặng bạn bè.

Hai năm đầu lập nghiệp tại Sài Gòn, Lĩnh chuyên đi thiết kế, trang trí sân khấu, nhưng lúc rảnh rỗi anh lại đem đá ra viết, vẽ. Năm 2005, trong cuộc giao lưu giữa Nhà Văn hóa Thanh Niên với Lãnh sự quán Trung Quốc, Quang Lĩnh đã có cơ hội triển lãm thư pháp viết trên đá. Cuộc triển lãm đã thu hút nhiều người quan tâm. 100 tác phẩm thạch thư Quang Lĩnh được bán hết chỉ sau một buổi sáng.

Thấy nhiều người tìm đến làm quen, trao đổi kinh nghiệm và đặt hàng, nên Lĩnh quyết định mở câu lạc bộ thư pháp mang tên anh rồi trở thành phó chủ nhiệm và đến nay là chủ nhiệm câu lạc bộ Mỹ thuật thuộc Nhà Văn hóa Thanh Niên, sân chơi của những người yêu thích thư pháp, hội họa.

Đến nay, Quang Lĩnh đã có một phòng tranh, triển lãm thư pháp tại một quận Phú Nhuận. Nơi này vừa là chỗ để đàm đạo về thư pháp, vừa là nơi anh hướng dẫn cho người yêu thích môn nghệ thuật này. Tranh, đá thư pháp Quang Lĩnh cũng đã có mặt trên hệ thống các nhà sách Văn Lang, Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ. .. Với Lĩnh, viết thư pháp phải sáng tạo và anh không dừng lại với thành công viết thư pháp lên đá sỏi mà anh còn thử nghiệm ở nhiều loại hình vật liệu khác như vải bố, cây quế, một loại cây hương liệu và dược liệu nổi tiếng ở vùng quê anh, gốm sứ, vỏ sò, vỏ ốc…

Quốc Hùng

Nguồn: http://mobile.thesaigontimes.vn/ArticleDetail.aspx?id=70184

Thực hiện bới hội Sinh Vật Cảnh.

Tôi đến nhà Quang Lĩnh vào một buổi sáng chủ nhật, số nhà trên đường Nguyễn Thượng Hiền cũ – mới đánh lộn xộn nên rất khó tìm, phải điện thoại hai ba lần tôi mới tới nơi. Lĩnh đón tôi với nụ cười chân thật và niềm nở. Câu chuyện chúng tôi trao đổi xoay quanh vấn đề thư pháp chữ Việt diễn ra sôi nổi lắm.

Thư Pháp Quang Lĩnh
Thư Pháp Quang Lĩnh

Hỏi: Anh quan niệm thế nào về thư pháp chữ Việt? Gần đây trên báo chí có nhiều người chê bai rằng thư pháp chữ Việt làm hỏng chữ Quốc ngữ, là người gắn bó với thư pháp 7, 8 năm nay anh nghĩ thế nào?

Huỳnh Quang Lĩnh: Mỗi người có một cách nhìn riêng về thư pháp chữ Việt. Riêng bản thân mình, mình cho rằng tất cả các loại chữ trên thế giới đều có thế viết thư pháp. Vì đơn giản, thư pháp là nghệ thuật viết chữ đẹp. Tuy nhiên quan niệm thế nào là đẹp, thế nào là xấu của mỗi người cũng khác nhau. Mình không áp đặt, nhưng mình thấy hiện nay thư pháp chữ Việt vẫn có vị trí của nó. Bằng chứng là vẫn có nhiều người thích chơi thư pháp Việt. Năm ngoái có anh bạn mình (anh Nguyễn Hiếu Tín), anh ấy làm luận văn thạc sĩ về vấn đề thư pháp Quốc ngữ, trong luận văn có dẫn ra rằng từ trước Công nguyên, ở Ai Cập, Ảrập người ta cũng dùng hệ chữ Latinh để viết thư pháp. Nếu nói chữ Quốc ngữ không thể viết thư pháp được thì có lẽ hơi cực đoan và phiến diện.

Hỏi: Những người không tán thành việc coi thư pháp chữ Việt như một chuyên ngành nghệ thuật họ cho rằng chỉ có chữ tượng hình như chữ Hán, chữ Nhật mới có thể viết thành thư pháp. Họ còn dẫn ra rằng thư pháp chữ Hán từ xưa đến nay được xem như một chuyên ngành nghệ thuật vì có trường phái, chương pháp và phong cách nhất định. Thư pháp chữ Việt không có chương pháp rõ ràng chỉ viết tuỳ hứng theo từng người, anh nghĩ thế nào về những ý kiến ấy?

Huỳnh Quang Lĩnh: Họ nói đúng một phần. Đúng là không thể phủ nhận rằng thư pháp chữ Hán là dòng thư pháp nổi tiếng thế giới và có lịch sử phát triển lâu đời. Chữ Hán là dạng chữ tượng hình, nhiều chữ vốn dạng ban đầu của nó giống như hình vẽ, cho nên khi viết thư pháp rất đẹp. Thư pháp chữ Quốc ngữ mới phát triển khoảng vài chục năm trở lại đây vì thế những quy định chung về chương pháp và phong cách chưa được thống nhất lắm. Nhưng nếu nói là “không có” hoặc chỉ “viết tuỳ hứng” thì cũng không đúng. Nói như vậy, những người đam mê thư pháp chữ Việt sẽ cảm thấy bị xúc phạm. Nếu chịu khó tìm hiểu về thư pháp chữ Việt sẽ thấy những quy định chung về cách viết, cách đóng triện,… cũng có nhiều điểm thống nhất và khác với khi viết thư pháp Hán.

Huỳnh Quang Lĩnh - 15 Năm Với Thư Pháp Việt Nam
Huỳnh Quang Lĩnh – 15 Năm Với Thư Pháp Việt Nam

Hỏi: Anh có thể lấy một ví dụ cụ thể quy định về chương pháp hay về cách đóng triện không ạ?

Huỳnh Quang Lĩnh: Được chứ! Chẳng hạn bạn nhìn bức thư pháp trên tường kia kìa (chỉ bức thư pháp viết chữ Nhẫn và 4 câu thơ treo trên tường). Những chữ đầu hàng không thụt vô, các hàng dù thụt vô thụt ra nhưng độ dài phải bằng nhau, khoảng trống ở hàng cuối không dài hơn phân nửa chiều dài của hàng. Đó là quy định về chữ. Còn về con dấu cũng có những quy định riêng, chẳng hạn nếu người viết đồng thời là tác giả của nội dung thì con dấu đóng ở phía dưới, bên góc phải. Nếu người viết thư pháp viết một câu thơ, câu nói của người khác mà chưa có sự đồng ý của tác giả đó thì con dấu của người viết đặt bên dưới, góc phải và phải ghi chữ “thủ bút”, còn bên góc trái ghi tên tác giả câu nói hay câu thơ đó…

Hỏi: Vâng, trong thư pháp chữ Hán người ta chia làm 4 loại Khải, Lệ, Hành, Thảo, không biết trong thư pháp chữ Việt có những quy định gì và các kiểu viết chữ không thưa anh?

Huỳnh Quang Lĩnh: Thực ra thì tuỳ từng người viết có thể sáng tạo ra những kiểu chữ và phong cách viết khác nhau. Nhưng nói chung vẫn có thể khái quát vào năm kiểu viết cơ bản: Kiểu thứ nhất là kiểu Chân Phương, nét chữ rõ ràng dễ đọc, rất giống chữ thường. Kiểu thứ hai là kiểu Cách Điệu viết biến đổi từ chữ Chân Phương mà ra nhưng các chữ cái hơi được biến dạng một chút để tạo ra cái lối viết riêng của mình. Kiểu thứ ba là kiểu Cá Biệt, thể hiện cá tính của người viết, nhìn vào kiểu chữ nầy, người xem dễ biết tác giả mà không cần phải xem bút ký. Kiểu chữ nầy thường viết liền một nét nên khó đọc. Kiểu thứ tư là kiểu Mô Phỏng, chữ được viết mô phỏng theo kiểu chữ của nước ngoài nhìn vào ngỡ chữ Tàu, hay chữ Ả Rập, chữ Miên, nhưng thực ra là chữ Việt. Kiểu cuối cùng là chữ Mộc Bản, viết giống như những chữ khắc trên con dấu, hay viết kiểu đảo lộn, khi xem phải dùng gương phản chiếu…

Hỏi: Vài năm trở lại đây, anh nổi tiếng là một người chơi nghệ thuật sáng tạo với việc chọn chất liệu đá để thể hiện các tác phẩm thư pháp. Anh có thể cho biết vì sao anh lại quyết định chọn đá để viết thư pháp, và khi viết thư pháp trên đá liệu có gặp những khó khăn gì không?

Huỳnh Quang Lĩnh: Mình sinh ra ở Quảng Ngãi, từ lúc còn bé mình đã thích hội hoạ, hồi học xong cấp 3, có một thời gian mình học vẽ với hoạ sĩ Ái Nhi. Nhưng sau đó lại chuyển qua viết thư pháp chữ Việt. Hồi đó mình cứ viết “lấy thích” thôi chứ cũng chưa có ý định làm gì. Mấy đợt xuống tham quan làng mỹ nghệ Non Nước, thấy có nhiều tảng đá rất đẹp và nhẵn nên mình mang về thử viết thư pháp trên đó. Càng viết lại càng thấy thích vì những tác phẩm làm xong thấy bắt mắt và đẹp lắm. Từ năm 2004, mình vào Sài Gòn, quyết tâm dùng chất liệu đá để viết thư pháp. Viết thư pháp trên đá cái khó nhất là làm sao để thể hiện bố cục bức thạch thư cho hài hoà, phù hợp với từng hình dáng tự nhiên của đá. Tuy nhiên, việc thể hiện thư pháp trên đá kích thích mình sáng tạo. Có được một hòn đá đẹp, mình luôn phải trăn trở, suy nghĩ xem thể hiện nét chữ lên đó như thế nào cho phù hợp để có được một tác phẩm nghệ thuật.

Anh Huỳnh Quang Lĩnh – Giám đốc công ty Thư pháp mỹ nghệ Quang Lĩnh

Hỏi: Hiện nay công ty của anh sản xuất mỗi năm rất nhiều sản phẩm thạch thư. Các nhà sách lớn trong thành phố đều có bày bán sản phẩm thư pháp đá do cơ sở của anh chế tác. Anh có thể cho biết đôi nét về những sản phẩm chính của công ty mình cũng như những định hướng trong thời gian tới mà anh muốn đạt được?

Huỳnh Quang Lĩnh: Hiện nay, mình chủ yếu sản xuất các mặt hàng thạch thư cỡ nhỏ để trang trí trong phòng làm việc, phòng khách, làm quà lưu niệm… Mình cũng dành thời gian để sáng tạo những bức thạch thư cỡ lớn, tham gia triển lãm tại nhà văn hóa Thanh Niên hay các hội quán thư pháp chữ Việt tổ chức trong nước. Trong thời gian tới bên cạnh các sản phẩm quen thuộc, đã có bày bán tại các nhà sách, mình sẽ tiếp tục tìm tòi để sáng tạo thêm nhiều sản phẩm đá – thư pháp mỹ nghệ mới. Mình cũng nghĩ đến việc làm các sản phẩm đá mỹ nghệ để xuất khẩu, nhưng cái khó khăn nhất là khâu vận chuyển, một mặt vì sản phẩm bằng đá đặc, rất nặng, mặt khác, khi va chạm mạnh những chỗ kết dính dễ bị gãy hoặc hư hỏng. Ngoài đá, mình cũng kết hợp viết thư pháp trên các chất liệu khác như tre, nứa, vỏ cây, rễ cây và các đồ gốm mỹ nghệ.

Hỏi: Để có chất liệu phục vụ chế tác những sản phẩm thạch thư với số lượng lớn như thế này, nguồn đá chính mà cơ sở của anh nhập về là từ đâu? Việc vận chuyển có gặp khó khăn gì không ạ?

Huỳnh Quang Lĩnh: Đá phục vụ sản xuất hiện nay có nhiều loại, một số mình nhập về từ các cơ sở khác, những đá đó có nguồn gốc từ Indonexia. Số còn lại chủ yếu là đá Việt, lấy từ miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi…) chuyển vào. Vận chuyển đá chỉ vất vả chút là hơi nặng thôi, chứ cũng không khó khăn gì mấy. Cái chính là mình phải tuyển lựa được chất lượng đá, nhiều khi mình phải trực tiếp về cơ sở cung cấp để chọn lựa từng lô đá nhỏ. Muốn có được những đá tảng tốt để chế tác tác phẩm, mình phải tự đi tìm hiểu và sưu tầm chứ không ai làm thay được cả.

Hỏi: Vâng, làm nghệ thuật luôn đòi hỏi nhiều công phu như vậy anh ạ. Để có được tác phẩm giá trị thì không có con đường nào khác là chính người nghệ sĩ phải hòa mình vào với thế giới của nghệ thuật ấy. Với tư cách là một người có nhiều năm gắn bó với thạch thư, anh có thể nói một vài điều về môn nghệ thuật độc đáo này ở TP Hồ Chí Minh cũng như trong cả nước?

Huỳnh Quang Lĩnh: Mình không dám nhận là nghệ nhân, nghệ sĩ gì cả. Đến với thư pháp từ nhỏ, hoàn toàn dựa trên một niềm đam mê nên mình quyết định mở công ty với ý tưởng chế tác các sản phẩm thư pháp trên đá. Mấy năm trở lại đây, ở nước ta thư pháp đá phát triển mạnh. Ở ngoài quê mình (Quảng Ngãi), phong trào thạch thư ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Các anh, các chú còn lập ra cả Hội thạch thư để trao đổi kinh nghiệm và trưng bày tác phẩm. Tại Sài Gòn, một số hội quán cũng như nhiều người chơi thư pháp đã bắt đầu quan tâm đến thư pháp đá. Riêng bản thân mình, mình cho rằng, giữa thành phố ồn ào, tất bật, một món quà nhỏ bằng đá Việt tự nhiên trên đó có những dòng chữ Việt viết bay bướm, nhẹ nhàng có thể xem như là một dấu lặng nhiều ý nghĩa. Chính vì thê, trong lúc làm, mình vẫn luôn nhắc nhở anh em phải cố gắng chuyển hết cái Tâm của mình vào trong từng viên đá nhỏ để những nét chữ Việt viết lên đó có duyên và có hồn, đẹp và thanh thoát.

Cảm ơn anh Lĩnh vì buổi trò chuyện hôm nay. Thay mặt BBT Website của Hội SVC TP, Minh chúc anh mạnh giỏi, thành đạt, chúc công ty mỹ nghệ thư pháp Quang Lĩnh tiếp tục gặt hái được nhiều thành công trong thời gian tới.

Hà Minh thực hiện

Nguồn: http://www.svcsaigon.com/index.php?ghdo=StoreView&store_id=140&tab=1&PHPSESSID=9584f7e3a6aa575f4f92a020e73e0d25

TTO – Khai bút đầu xuân đã là nét đẹp lâu đời của những người trót nợ với “giấy mực”, chữ nghĩa. Khai bút đầu xuân, các 8X gửi gắm bao ước mơ, hy vọng. Khai bút bằng thư pháp Việt Nam tạo ra một nét đặc trưng cho chữ Việt.

Ông Đồ Huỳnh Quang Lĩnh
Ông Đồ Huỳnh Quang Lĩnh

 

Huỳnh Quang Lĩnh, 1982, nguyên ủy viên CLB Thư pháp Nét Việt, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM 

8 năm nay tôi đều khai bút và phút giao thừa. Với tôi, đó là thời gian thấy tâm hồn mình thư thái nhất. Để chuẩn bị cho thời khai bút, trước đó tôi dọn dẹp nhà cửa kỹ, tắm sạch sẽ, pha một bình trà ngon, chuẩn bị giấy mực. Mỗi tết, tôi chọn một câu hay một chữ hay để viết. Năm nay tôi sẽ viết chữ “An” với ước nguyện mong đất nước và tất cả mọi người sẽ an bình cho trong năm mới.

Với những người gắn bó với nghiệp viết lách, khai bút đầu xuân cũng có ý nghĩa nhớ về cội nguồn. Đó là những thời khắc rất thiêng liêng.

TRUNG UYÊN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/299210/8X-khai-but-dau-xuan.html

22 tuổi vào Sài Gòn lập nghiệp với đôi bàn tay trắng, 25 tuổi, Huỳnh Quang Lĩnh nổi tiếng với tài viết thư pháp trên đá (thạch thư).

Nghệ Thuật Viết Thư Pháp Trên Đá
Nghệ Thuật Viết Thư Pháp Trên Đá

Thổi hồn cho đá

Sinh ra và lớn lên ở huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), nơi có nhiều núi sông hùng vĩ, cái tên Quang Lĩnh như nhắc nhở anh luôn nhớ về một miền quê gắn bó. Hình ảnh quê hương hòa quyện với niềm đam mê thư pháp của Lĩnh từ những ngày còn là SV của Trường TH Điện III (Hội An, Quảng Nam).

Trong hành trang của anh luôn có vài viên đá Đức Phổ. Một lần tham quan làng đá mỹ nghệ Non Nước, tài nghệ của người thợ khi thổi hồn cho những khối đá thô sơ khiến Lĩnh rất khâm phục. Lĩnh lấy viên đá trong túi ra viết vài nét tên anh.

Từ sự vô tình đó, Lĩnh đã đưa nét thư pháp đầu tiên lên đá. Được nhiều người khen ngợi, Lĩnh mê sáng tạo thạch thư luôn từ đó. Tận dụng nguồn đá phong phú của quê hương, có khi anh đi nhặt đá, có khi mua về, phần lớn các viên đá đã được thiên nhiên “điêu khắc” tạo cho chúng những hình dáng đẹp nên anh chỉ cần xử lý thêm một chút trước khi viết. Viết xong, anh phủ lên một lớp sơn mài trong suốt để bảo vệ lớp chữ được bền màu với thời gian.

Thư pháp trên giấy đã khó, viết lên một tạo vật thô ráp, không có khuôn mẫu như đá còn khó hơn. Nhưng cái khó nhất là làm sao để thể hiện bố cục của bức thạch thư cho hài hòa, nét chữ ghi dấu ấn lúc trọng (nét đậm), lúc khinh (nét nhẹ nhàng) và chuyển tải cả tính cách và tình cảm của người viết. Năm 2004, anh quyết định vào TPHCM lập nghiệp rồi tham gia CLB Mỹ Thuật (NVH Thanh Niên). Nhân một lần triển lãm thư pháp của CLB, anh đem thạch thư ra trưng bày thử. 100 tác phẩm thạch thư Quang Lĩnh được bán hết chỉ sau một buổi sáng.

Đi lên từ những khó khăn

Những viên đá vô tri qua những cách điệu của Lĩnh trở thành những thạch thư đẹp, hòa quyện giữa từng nét bút với những thớ gân của đá trong cái hồn của những câu thơ và ca dao, bước đầu đã được bạn trẻ Sài Gòn đón nhận nhưng bước đường để thạch thư trở thành sản phẩm được biết đến rộng rãi thì chẳng dễ dàng.

Chở bao đá trĩu nặng trên chiếc xe đạp cũ, Lĩnh ngược xuôi 30-40km mỗi ngày, từ quận 7 ra Thủ Đức, có khi đạp xe xuống tận Bình Dương để chào hàng, thuyết phục ký gởi thạch thư bán ở các nhà sách. Lắm lúc, Lĩnh trở về với những vòng quay xe nặng trĩu vì nhiều nơi không nhận hàng.

Số tiền ít ỏi mang theo ngày vào TPHCM vơi dần đi. May mắn được bạn bè động viên, giúp đỡ, Lĩnh vượt qua khó khăn của năm đầu tiên. Bước vào năm 2005, những đơn đặt hàng từ các nhà sách lớn như Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành… ngày càng nhiều khiến Lĩnh vui mừng.

Anh nói: “Đá gợi sự bền vững vĩnh cửu. Câu thơ, danh ngôn ghi lên đá là những thông điệp đầy ý nghĩa tạo được niềm vui và hạnh phúc, đem lại cho người nhận cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Có lẽ vì vậy mà thạch thư nhanh chóng được mọi người đón nhận”. Thạch thư Quang Lĩnh hiện nay đã có mặt tại các nhà sách ở TPHCM, Hà Nội, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Lạt…

Sức trẻ, không ngại khó khăn, theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn, thành quả ngày hôm nay là niềm khích lệ lớn lao với Lĩnh. Trở thành chủ của một xưởng sản xuất ở quận Gò Vấp (TPHCM) với 7 nhân viên, anh chàng ủy viên CLB Thư pháp Nét Việt (NVH Thanh niên) này cũng dành khá nhiều thời gian hướng dẫn viết thư pháp miễn phí cho các bạn trẻ tại xưởng sản xuất của anh.

Tính đến nay, có hơn 15.000 viên đá trắng, 1.000 viên đá đen, đá hoa cương thư pháp của Lĩnh đã đến được tay các bạn trẻ. Lĩnh đang xúc tiến việc đăng ký bản quyền sở hữu thương hiệu Thạch thư Quang Lĩnh, tiếp tục khám phá và thử nghiệm, thổi hồn thư pháp trên những vật liệu như vỏ sò, vỏ ốc… làm nên những biến tấu độc đáo mới cùng thư pháp.

DIỆP NGUYỄN

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/guongmattre/2007/10/127005/

PN – Tốt nghiệp trung cấp điện nhưng lại làm công việc trang trí sân khấu, thiết kế nội thất, trong một lần “đi cho biết đó biết đây”, Huỳnh Quang Lĩnh cảm thấy mảnh đất phương Nam như có một lực hút đặc biệt giữ chân anh.

Cái nghề tay trái lẫn tay phải đã giúp Quang Lĩnh làm không hết việc. Hết đi trang trí sân khấu, làm nghề điện, anh lại quay sang vẽ tranh, viết thư pháp trên đá. Cũng chính thư pháp đã giúp Quang Lĩnh trở nên nổi tiếng ở đất Sài thành và nuôi bốn đứa em ăn học tại đây.

Lớn lên ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi, từ ngày còn để chỏm, Lĩnh đã được ông nội dạy viết thư pháp. Khi “kho tàng” của người ông không còn đủ hấp dẫn, cậu bé Lĩnh tìm đến sách báo, nghe đài và lặn lội ra Hội An học thư pháp, vẽ tranh với cố họa sĩ Ái Nhi.

Ông Đồ Huỳnh Quang Lĩnh
Ông Đồ Huỳnh Quang Lĩnh

Ngoài đam mê vẽ, viết thư pháp, Lĩnh còn “ghiền” những viên sỏi, viên cuội vô tri vô giác ở những dòng suối quê anh. Lúc nào trong giỏ, cặp đi học của Lĩnh cũng có đá, ở đâu có đá lạ, đá đẹp cậu đều tìm đến để xem. Một lần tình cờ đến Non Nước, Đà Nẵng, Lĩnh say mê xem các nghệ nhân điêu khắc trên đá. Lĩnh tự hỏi sao mình không thể viết thư pháp lên đá? Và Lĩnh bắt đầu mày mò học. Anh tìm những viên đá có hình thù lạ, độc đáo rồi viết những câu danh ngôn theo lối thư pháp đem tặng bạn bè. Từ ngày ấy, nhiều học viên của trường Trung cấp Điện Quảng Nam đã gọi anh là “Quang Lĩnh thư pháp”.

Huỳnh Quang Lĩnh - 15 Năm Với Thư Pháp Việt Nam
Huỳnh Quang Lĩnh – 15 Năm Với Thư Pháp Việt Nam

Hai năm đầu lập nghiệp tại Sài Gòn, Lĩnh chuyên đi thiết kế, trang trí sân khấu, nhưng lúc rảnh rỗi anh lại đem đá ra viết, vẽ. Chữ thư pháp của Quang Lĩnh vừa bay bướm vừa có hồn nên được mọi người chú ý. Năm 2005, trong cuộc giao lưu giữa Nhà Văn hóa Thanh Niên với Lãnh sự quán Trung Quốc, Quang Lĩnh đã có cơ hội triển lãm thư pháp viết trên đá. Cuộc triển lãm đã thu hút nhiều người quan tâm. Lĩnh nhớ lại: “Rất nhiều người tìm đến làm quen, trao đổi kinh nghiệm và đặt hàng, đến nỗi tôi phải tạm dừng việc trang trí sân khấu để vẽ, nhưng cũng không đáp ứng hết nhu cầu”. Lĩnh mở thêm câu lạc bộ (CLB) thư pháp mang tên anh rồi trở thành phó chủ nhiệm và đến nay là chủ nhiệm CLB Mỹ thuật thuộc Nhà Văn hóa Thanh Niên, sân chơi của những người yêu thích thư pháp, hội họa. CLB không chỉ thu hút những bạn trẻ mà cả những người lớn tuổi.

Đến nay, Quang Lĩnh đã có một phòng tranh, trà quán triển lãm thư pháp tại một con hẻm nhỏ đường Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh. Nơi này vừa là chỗ để đàm đạo về thư pháp, vừa là nơi anh hướng dẫn cho người yêu thích môn nghệ thuật này. Tranh, đá thư pháp Quang Lĩnh cũng đã có mặt trên hệ thống các nhà sách Văn Lang, Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ.

Mới đây, anh nghĩ ra cách viết thư pháp lên cây quế, một loại cây hương liệu và dược liệu nổi tiếng ở vùng quê anh. Bức tranh trên thân cây quế đầu tiên được Lĩnh tặng cho Hội Chữ thập đỏ TP.HCM để bán đấu giá làm từ thiện và thu được tám triệu đồng gây quỹ giúp trẻ em bệnh tật.

Nhà thư pháp 27 tuổi này tiết lộ: “Tôi đang nghiên cứu tìm cách viết thư pháp lên gốm Bát Tràng với mong muốn giới thiệu nghệ thuật, phong cảnh, con người Việt Nam bằng thư pháp lên gốm ra thế giới”.

Minh Diệu

Nguồn: http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan//khuc-bien-tau-cua-nha-thu-phap-tre-nbsp-/a46858.html

TÁC PHẨM NỔI BẬT

Contact Me on Zalo