Báo Phụ Nữ: Khúc “Biến Tấu” Của Nhà Thư Pháp Trẻ

Báo Phụ Nữ: Khúc “Biến Tấu” Của Nhà Thư Pháp Trẻ

PN – Tốt nghiệp trung cấp điện nhưng lại làm công việc trang trí sân khấu, thiết kế nội thất, trong một lần “đi cho biết đó biết đây”, Huỳnh Quang Lĩnh cảm thấy mảnh đất phương Nam như có một lực hút đặc biệt giữ chân anh.

Cái nghề tay trái lẫn tay phải đã giúp Quang Lĩnh làm không hết việc. Hết đi trang trí sân khấu, làm nghề điện, anh lại quay sang vẽ tranh, viết thư pháp trên đá. Cũng chính thư pháp đã giúp Quang Lĩnh trở nên nổi tiếng ở đất Sài thành và nuôi bốn đứa em ăn học tại đây.

Lớn lên ở vùng quê nghèo Quảng Ngãi, từ ngày còn để chỏm, Lĩnh đã được ông nội dạy viết thư pháp. Khi “kho tàng” của người ông không còn đủ hấp dẫn, cậu bé Lĩnh tìm đến sách báo, nghe đài và lặn lội ra Hội An học thư pháp, vẽ tranh với cố họa sĩ Ái Nhi.

Ông Đồ Huỳnh Quang Lĩnh
Ông Đồ Huỳnh Quang Lĩnh

Ngoài đam mê vẽ, viết thư pháp, Lĩnh còn “ghiền” những viên sỏi, viên cuội vô tri vô giác ở những dòng suối quê anh. Lúc nào trong giỏ, cặp đi học của Lĩnh cũng có đá, ở đâu có đá lạ, đá đẹp cậu đều tìm đến để xem. Một lần tình cờ đến Non Nước, Đà Nẵng, Lĩnh say mê xem các nghệ nhân điêu khắc trên đá. Lĩnh tự hỏi sao mình không thể viết thư pháp lên đá? Và Lĩnh bắt đầu mày mò học. Anh tìm những viên đá có hình thù lạ, độc đáo rồi viết những câu danh ngôn theo lối thư pháp đem tặng bạn bè. Từ ngày ấy, nhiều học viên của trường Trung cấp Điện Quảng Nam đã gọi anh là “Quang Lĩnh thư pháp”.

Huỳnh Quang Lĩnh - 15 Năm Với Thư Pháp Việt Nam
Huỳnh Quang Lĩnh – 15 Năm Với Thư Pháp Việt Nam

Hai năm đầu lập nghiệp tại Sài Gòn, Lĩnh chuyên đi thiết kế, trang trí sân khấu, nhưng lúc rảnh rỗi anh lại đem đá ra viết, vẽ. Chữ thư pháp của Quang Lĩnh vừa bay bướm vừa có hồn nên được mọi người chú ý. Năm 2005, trong cuộc giao lưu giữa Nhà Văn hóa Thanh Niên với Lãnh sự quán Trung Quốc, Quang Lĩnh đã có cơ hội triển lãm thư pháp viết trên đá. Cuộc triển lãm đã thu hút nhiều người quan tâm. Lĩnh nhớ lại: “Rất nhiều người tìm đến làm quen, trao đổi kinh nghiệm và đặt hàng, đến nỗi tôi phải tạm dừng việc trang trí sân khấu để vẽ, nhưng cũng không đáp ứng hết nhu cầu”. Lĩnh mở thêm câu lạc bộ (CLB) thư pháp mang tên anh rồi trở thành phó chủ nhiệm và đến nay là chủ nhiệm CLB Mỹ thuật thuộc Nhà Văn hóa Thanh Niên, sân chơi của những người yêu thích thư pháp, hội họa. CLB không chỉ thu hút những bạn trẻ mà cả những người lớn tuổi.

Đến nay, Quang Lĩnh đã có một phòng tranh, trà quán triển lãm thư pháp tại một con hẻm nhỏ đường Vạn Kiếp, Q.Bình Thạnh. Nơi này vừa là chỗ để đàm đạo về thư pháp, vừa là nơi anh hướng dẫn cho người yêu thích môn nghệ thuật này. Tranh, đá thư pháp Quang Lĩnh cũng đã có mặt trên hệ thống các nhà sách Văn Lang, Nhân Văn, Nguyễn Văn Cừ.

Mới đây, anh nghĩ ra cách viết thư pháp lên cây quế, một loại cây hương liệu và dược liệu nổi tiếng ở vùng quê anh. Bức tranh trên thân cây quế đầu tiên được Lĩnh tặng cho Hội Chữ thập đỏ TP.HCM để bán đấu giá làm từ thiện và thu được tám triệu đồng gây quỹ giúp trẻ em bệnh tật.

Nhà thư pháp 27 tuổi này tiết lộ: “Tôi đang nghiên cứu tìm cách viết thư pháp lên gốm Bát Tràng với mong muốn giới thiệu nghệ thuật, phong cảnh, con người Việt Nam bằng thư pháp lên gốm ra thế giới”.

Minh Diệu

Nguồn: http://phunuonline.com.vn/tinh-yeu-hon-nhan//khuc-bien-tau-cua-nha-thu-phap-tre-nbsp-/a46858.html

SIMILAR ARTICLES

2 COMMENTS

Leave a Reply